Phù bạch mạch sau điều trị ung thư vú và phương pháp điều trị
Phù bạch mạch là một vấn đề có thể xảy ra sau phẫu thuật điều trị ung thư khi cắt bỏ hạch bạch huyết và xạ trị. Phù bạch mạch có thể xảy ra vài tháng hoặc nhiều năm sau khi điều trị. Nếu không được điều trị, phù bạch mạch có thể trở nên tồi tệ hơn với những đợt viêm bạch mạch.
Hệ bạch huyết là gì?
Hệ bạch huyết là một hệ khác trong số các hệ mạch của cơ thể vận chuyển chất dịch đi khắp cơ thể. Các mạch bạch huyết có liên quan đến việc chuyên chở chất dịch dư thừa, các vật lạ và các chất liệu khác từ các mô và tế bào của cơ thể. Vì vậy, hệ thống này có liên quan đến việc xử lý chất thải và các mẫu vật có khả năng gây hại. Ở đây, hệ mạch bạch huyết hoạt động chặt chẽ với máu, đặc biệt là với các bạch cầu được gọi là các lymphô bào, chúng rất cần thiết cho sự bảo vệ cơ thể chống lại bệnh tật
Hệ bạch huyết hay còn gọi là hệ bạch mạch gồm có các mạch bạch huyết, các cơ quan và mô dạng lymphô rất chuyên hóa bao gồm: tuyến ức, lách và các hạch bạch huyết.
Làm thế nào phù bạch huyết xảy ra sau phẫu thuật điều trị ung thư?
Trong quá trình phẫu thuật ung thư, các hạch bạch huyết gần đó thường được loại bỏ. Điều này làm gián đoạn dòng chảy của bạch huyết, có thể dẫn tắc nghẽn hệ thống bạch huyết gây ra tình trạng bệnh lý gọi là phù bạch mạch. Phù bạch mạch có thể ảnh hưởng đến một hoặc nhiều khu vực trên cơ thể, đặc biệt là các chi. Biểu hiện sưng có thể gia tăng và trở nên nghiêm trọng gây biến dạng chi. Loét da hoặc các vấn đề khác về da có thể phát triển.
Khi nhiều hạch bạch huyết dưới vùng nách đã được cắt bỏ, bệnh nhân có nguy cơ bị phù bạch mạch cao hơn trong suốt quãng đời còn lại. Các phương pháp điều trị tia xạ làm gia tăng mô xơ và tắc nghẽn làm tăng thêm nguy cơ phù bạch mạch.
Phù bạch mạch có thể xảy ra ngay sau khi phẫu thuật hoặc xạ trị, hoặc vài tháng hoặc thậm chí nhiều năm sau đó.
Phù bạch mạch trong ung thư vú rất hay gặp ở bệnh nhân được điều trị phẫu thuật kết hợp tia xạ vùng hố nách. Khi kết hợp cả 2 phương pháp, tỉ lệ phù thay đổi từ 6% đến 48% trường hợp. Nếu chỉ cắt bỏ khối u đơn thuần tỉ lệ phù bạch mạch chỉ 6%. Tỷ lệ phù tăng lên khi nạo vét hạch và tia xạ được thực hiện.
Các giai đoạn của phù bạch mạch
Các loại phù bạch mạch?
Có 2 loại phù bạch mạch:
- Phù bạch mạch nguyên phát : Có thể do bất thường của hệ thống bạch mạch nguyên nhân bẩm sinh.
- Phù bạch mạch thứ phát : Do tổn thương hệ thống bạch huyết sau điều trị ung thư, xạ trị, sau chấn thương, sau nhiễm ký sinh trùng …
Phù bạch mạch nhẹ có thể xảy ra trong vòng một vài ngày sau phẫu thuật và thường kéo dài trong một thời gian ngắn.
Phù bạch mạch cũng có thể xảy ra khoảng 4 đến 6 tuần sau phẫu thuật hoặc xạ trị và sau đó biến mất theo thời gian.
Loại phù bạch mạch phổ biến nhất là không đau và có thể chậm phát triển từ 18 đến 24 tháng hoặc hơn sau phẫu thuật. Nếu không được điều trị nó sẽ trở nên tệ hơn.
Phù bạch mạch có thể xảy ra bất cứ lúc nào sau khi phẫu thuật hoặc xạ trị đến các hạch bạch huyết, làm tăng nguy cơ tiếp tục cho phần còn lại của cuộc sống của bệnh nhân.
Triệu chứng của phù bạch mạch?
Triệu chứng chính của phù bạch mạch sau khi điều trị ung thư vú là phù cánh tay ở bên, nơi các hạch bạch huyết đã được loại bỏ.
Tình trạng phù có thể khác nhau. Một số người có thể bị phù nặng với cánh tay bị ảnh hưởng lớn hơn cánh tay kia vài cm. Những người khác sẽ có một dạng phù nhẹ hơn với cánh tay bị ảnh hưởng lớn hơn một chút so với cánh tay còn lại.
Các triệu chứng khác của phù bạch mạch có thể bao gồm?
- Cảm giác đầy, nặng hoặc căng ở cánh tay, ngực hoặc vùng nách
- Áo ngực, quần áo hoặc trang sức không vừa vặn như bình thường
- Đau ở cánh tay
- Khó uốn cong hoặc di chuyển một khớp, chẳng hạn như ngón tay, cổ tay, khuỷu tay hoặc vai
- Da dày lên hoặc thay đổi trên da
Nếu bạn nhận thấy bất kỳ triệu chứng nào trong số biểu hiện trên, hãy kiểm tra với bác sĩ ngay lập tức. Điều trị cần phải được bắt đầu để giữ cho hệ thống bạch huyết không trở nên tồi tệ hơn.
Chẩn đoán phù bạch mạch như thế nào?
Chẩn đoán phù bạch mạch dựa vào các dấu hiệu lâm sàng và mpootj số xét nghiệm cận lâm sàng.
Dấu hiệu lâm sàng:
- Tiền sử phẫu thuật và các bệnh lý
- Hoàn cảnh xuất hiện phù
- Vị trí phù
- Tính chất phù
- Dấu hiệu Stemmer
Các xét nghiệm hình ảnh: Chụp MRI bạch mạch, chụp huỳnh quang với indocyanine green…
ĐIỀU TRỊ PHÙ BẠCH MẠCH
Điều trị phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của vấn đề. Điều trị bao gồm các cách giúp ngăn ngừa và kiểm soát tình trạng và có thể bao gồm:
- Điều trị nội khoa : Áp dụng trong giai đoạn còn rất sớm hoặc kết hợp với phẫu thuật để điều trị phù bạch mạch.
Chăm sóc da móng : Duy trì cấu trúc da mềm mại và chống nhiễm khuẩn, bảo đảm chi không có vết cắt,vết trầy xước, những khu vực bị kích ứng hoặc những dấu hiệu nhiễm trùng nào khác. Bệnh nhân cần được giáo dục cách tự chăm sóc da và móng trong giai đoạn điều trị để áp dụng trong giai đoạn duy trì.
Quần áo nén, tất nén: Loại quần áo nén bằng vải chuyên dùng này giúp tạo áp lực lên các chi bị ảnh hưởng để giúp dịch bạch huyết bị ảnh hưởng của bạn lưu thông dễ dàng hơn.
Thiết bị nén bơm hơi (máy nén ép trị liệu): Các ống nén này được gắn vào một máy bơm tự động bơm liên tục hoặc ngắt quãng, chúng tạo áp lực lên tay, chân giúp tăng cường lưu thông bạch huyết.
Tập thể dục: Các bài tập nhẹ nhàng có thể thúc đẩy dẫn lưu bạch huyết và tăng cường các chi bị ảnh hưởng của bạn. Các bài tập không nên vất vả hoặc làm bạn mệt mỏi mà nên tập trung vào sự co thắt nhẹ nhàng của các cơ ở tay hoặc chân. Bác sĩ chuyên khoa hoặc chuyên viên sẽ hướng dẫn cho bạn các bài tập vật lý trị liệu cần thiết để điều trị.
Băng nén: Tay và chân nơi bị phù bạch mạch sẽ được quấn băng thun giãn có thể giúp đẩy ngược dịch bạch huyết về gốc chi. Bác sĩ chuyên môn hoặc chuyên viên sẽ băng bó trị liệu cho bạn.
Massage dẫn lưu bạch huyết: Một kỹ thuật massage đặc biệt gọi là dẫn lưu bạch huyết thủ công có thể giúp tăng cường dòng chảy của bạch huyết ra khỏi cánh tay hoặc chân của bạn. Và các phương pháp điều trị massage khác nhau có thể có lợi cho những người bị ung thư. Nhưng bạn cần lưu ý, Massage không dành cho tất cả mọi người. Tránh xoa bóp nếu bạn bị nhiễm trùng da, cục máu đông hoặc các bệnh hoạt động ở các khu vực thoát bạch huyết có liên quan.
Liệu pháp chống sung huyết hoàn toàn (CDT) : Bao gồm 4 bước : Chăm sóc da móng, massage dẫn lưu bạch huyết bằng tay, băng ép (quần áo tất nén, băng nén hoặc máy nén ép trị liệu) và thể dục liệu pháp. Chống chỉ định tương đối của liệu pháp chống xung huyết là tăng huyết áp, liệt, đái đường, hen phế quản, chống chỉ định chung gồm nhiễm trùng cấp, có biểu hiện huyết khối tĩnh mạch sâu hoặc suy tim xung huyết.
2. Điều trị ngoại khoa : Bao gồm
- Phẫu thuật giảm nhẹ: Giúp giải quyết tạm thời tình trạng tăng kích thước của chi phù, không giải quyết được tình trạng tắc mạch bạch huyết. Hiện tại hạn chế sử dụng.
- Phẫu thuật sinh lý: Giúp tái lập lại sự lưu thông của hệ thống mạch bạch huyết. Phổ biến hiện nay là phẫu thuật nối bắc cầu bạch mạch – tiểu tĩnh mạch và phẫu thuật ghép hạch (hay chuyển vạt hạch có cuốn nuôi). Đây là 2 phẫu thuật được lựa chọn ở các trung tâm lớn trên thế giới, 2 phẫu thuật này đã được thực hiện tại Bệnh viện Bình Dân trong thời gian qua và cho thấy kết quả tốt.
Trước và sau điều trị phù bạch mạch
Liên hệ với chúng tôi để được tư vấn trực tiếp nếu bạn còn băn khoăn hoặc muốn biết thêm chi tiết: